22 Jun
2018

PGA PHẠM MINH ĐỨC: KHẮC PHỤC NHỮNG NGỘ NHẬN SAI KHI LUYỆN TẬP !!!

PGA Phạm Minh Đức tiếp tục chia sẻ những tư vấn hữu ích giúp các golf thủ khắc phục những ngộ nhận sai khi luyện tập môn thể thao golf.

Tập luyện có lẽ là việc cần thiết nhất để chúng ta nâng cao trình độ và hạ thấp handicap. Các golfer với những trình độ và trạng thái cơ thể khác nhau sẽ cần những phương pháp tập luyện khác nhau để đạt được mục tiêu của mình. Không ít golfer có trình độ tốt, kinh nghiệm chơi lâu năm chọn các sân tập là điểm đến hàng ngày để mài dũa kĩ thuật của mình, song cũng có nhiều golfer khác lại thích tập ngoài sân để có được những cú đánh thực tế. Việc tập luyện ở sân tập hay trên sân đều có những ưu nhược điểm khác nhau, tuy nhiên nếu chú trọng một chút nhiều golfer sẽ tránh được việc mắc phải một số lỗi dễ gặp.


Kĩ thuật là tất cả

Đó là suy nghĩ của không ít người chơi. Kĩ thuật tuy rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất giúp bạn cải thiện điểm số trên sân của mình. Ngoài kĩ thuật ra, những yếu tố khác như chiến thuật, tâm lý, thể lực hay dụng cụ đều có thể ảnh hưởng ít nhiều trong một vòng đấu. Tuy nhiên nhiều golfer dành phần lớn thời gian cho việc hoàn thiện cú swing mà không để ý tới những cú đánh khác. Khi bạn thực hiện một cú đánh không tốt trên sân, nguyên nhân chính cũng có thể là kĩ thuật swing, nhưng cũng có thể là bạn đứng không đúng hướng, chọn sai gậy, hay đang quá nôn nóng vì cú đánh hỏng ngay trước đó. Bạn không nhất thiết phải đánh được đường bóng luôn đi thẳng để chơi tốt, mà chỉ cần biết được đường bóng của mình sẽ cong theo hướng nào thì bạn hoàn toàn có khả năng bù trừ và bóng sẽ xoáy về hướng mục tiêu. Chiến thuật tưởng chừng đơn giản đó đôi khi lại hiệu quả hơn bạn nghĩ. Ngay cả các golfer chuyên nghiệp cũng hay sử dụng những đường bóng cong từ trái qua phải hoặc phải qua trái với những cú đánh xa tiếp cận green vì đường bóng cong thường có xác xuất dừng bóng gần mục tiêu hơn, sau khi tiếp xúc với bề mặt dốc nghiêng của green.


Cầm gậy chặt và tay trái luôn thẳng

Đây có lẽ là “câu thần chú” bạn chắc chắn sẽ nghe thấy khi mới bắt đầu tập. Thực tế việc cầm gậy chặt sẽ tạo ra ít nhiều áp lực không cần thiết giữa các đốt ngón tay. Các ngón tay khi xiết chặt cũng sẽ khiến cổ tay căng cứng và vì thế lực văng tự nhiên khi gậy chuẩn bị tiếp xúc với bóng sẽ giảm đáng kể. Nếu quan sát kĩ các golfer có khoảng cách tốt, các bạn sẽ thấy cổ tay thường được thả lỏng và vì thế họ luôn có được tốc độ đầu gậy cao khi tiếp xúc bóng. Cũng tương tự như vậy với khuỷu tay khi bạn tìm cách giữ cánh tay trái quá thẳng khi đưa gậy lên. Cánh tay quá thẳng sẽ vô tình gây ra áp lực tại đốt khuỷu tay và việc gồng cánh tay khi cố làm việc đó sẽ rất dễ gây chấn thương, cũng như làm giảm tốc độ di chuyển trong khi đưa gậy xuống. Tay trái thẳng có thể tốt nhưng sẽ chỉ tốt trong trạng thái thả lỏng. Khi thả lỏng, khớp cổ tay và khuỷu tay chắc chắn sẽ giúp bạn cải thiện tốc độ đầu gậy.


Tay phải “khép nách”

Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Việc khuỷu tay phải tách quá xa cơ thể khi đưa gậy lên và xuống chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc tiếp xúc bóng, nhưng cũng không có nghĩa bạn cần giữ quá gần cơ thể. Trong khi di chuyển sự kết nối giữa hai cánh tay và ngực cũng chính là chuyển động chính của nửa trên cơ thể và vì thế việc giữ hai khuỷu tay luôn ở trước ngực là cần thiết. Với phần nửa trên cơ thể hoàn toàn kết nối và di chuyển cùng nhau, bạn hoàn toàn có thể swing không đắn đo theo đúng nhịp điệu của mình. Tuy nhiên nếu cánh tay phải khép quá sát vào cơ thể bạn sẽ trở nên gò bó và sẽ khó phát huy được hết tốc độ đầu gậy, vì thế hãy tìm cách giữ khoảng cách nhất định giữa cánh tay và cơ thể trong khi swing.


Giữ nguyên đầu nhìn xuống

Không ít golfer khi tập được hướng dẫn nhìn lâu vào vị trí bóng ban đầu, ngay cả khi bóng đã bay đi sau khi tiếp xúc. Lời khuyên này có lẽ chỉ nên áp dụng với những golfer có xu hướng thoát khỏi tư thế trong khi swing, như việc trùng đầu gối khác nhau hay đứng lên hơi sớm trong khi swing. Tuy rằng việc giữ nguyên tầm nhìn có thể giảm thiểu việc này, cơ thể tự thoát khỏi vị trí thường đến từ giới hạn nhất định của cơ thế trong khi di chuyển. Thực tế việc giữ nguyên đầu tại một chỗ ngay cả khi bóng đã bay lên sẽ tác động ít nhiều đến phần trên cùng của xương sống ngay sau gáy. Ngay sau khi tiếp xúc bóng cơ thể sẽ gần ở trạng thái xoay hết và hướng về phía mục tiêu, việc giữ đầu ở lại quá lâu sẽ hạn chế việc di chuyển của phần vai và với tốc độ đủ lớn cùng số lần lặp lại nhiều thì chấn thương trên lưng/vai/cổ sẽ chỉ là sớm muộn.

Swing chưa “hết”

Một số golfer cho rằng khi tập swing, cánh tay và cơ thể sẽ phải lên “hết” cả khi đưa gậy lên và kết thúc. Thực tế bạn chỉ nên tập trung vào việc xoay nhiều các phần lớn trên cơ thể, chủ yếu với phần vai khi đưa gậy lên và hông khi đưa gậy xuống, thì chắc chắn bạn đã có được một cú swing khá đầy đủ. Cú swing càng gọn sẽ càng giúp bạn tiếp xúc với bóng tốt hơn. Hơn nữa sẽ có nhiều lúc bạn không cần swing toàn bộ cơ thể để đánh tới được mục tiêu vì khoảng cách đó thường xuyên rơi vào giữa hai gậy và bạn có thể cần điều chỉnh cú swing ngắn lại để bóng đi đúng khoảng cách mong muốn. 
-
Chúc Các bạn có một ngày luyện tập bổ ích !!


Theo vietnamgolfmagazine
-
Ocean Golf 645 Kim Mã "Luôn Đồng Hành Cùng Mọi Golfer"

 

OCEAN GOLF - NÂNG TẦM PHIÊU LINH
Địa chỉ: Số nhà 48 Tạ Quang Bửu - Phường Bạch Mai - Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội
( cạnh THPT Thăng Long)
Hotline:
0913217589
037 503 1168 / 090 181 6788 /

Comments